Thiền sư Thích Nhất Hạnh được vinh danh

Bối Diệp Thất - Liên đoàn Chủng viện Thần học đặt tại thành phố New York vừa công bố thông tin vinh danh và trao tặng huân chương cao quý đến vị thầy tâm linh, nhà khảo cứu, nhà thơ, nhà hoạt động hòa bình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

                   -  TƯỢNG ĐÀI PHƯƠNG BỐI 

Theo đó, Huân chương Liên hiệp (Union Medal) sẽ được trân trọng trao đến vị Thiền sư xuất thân từ Việt Nam và hiện đang được số đông ngưỡng mộ. Huân chương do Chủng viện Thần học đề cử, được thành lập từ năm 1981 với mục đích tôn vinh những cá nhân có nhiều cống hiến cho nhân loại phù hợp với tôn chỉ của Liên đoàn Chủng viện. Đây là giải thưởng cao nhất của tổ chức này. Tổng Giám mục Desmond Tutu (Nam Phi - đấu tranh vì nhân quyền), Phó Tổng thống Mỹ Al Gore (nhiệm kỳ 1993-2001), nhà báo nổi tiếng Judith và Bill Moyers đã từng nhận giải thưởng này.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh  
Trong một thông cáo báo chí, Liên đoàn cho biết, việc đề cử Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người nhận giải thưởng này vì “Thiền sư là người đã luôn nỗ lực cổ xúy cho sự hài hòa giữa những con người có nền văn hóa, tín ngưỡng và lối sống khác nhau”.
“Chúng tôi rất tự hào khi được ghi nhận những nỗ lực toàn cầu đáng trân trọng của ngài”, Tiến sĩ Serene Jones, Chủ tịch Liên đoàn nói.
Thông cáo cũng cho hay, nghi thức trao tặng sẽ được tổ chức vào ngày 6-9 nhân Hội nghị thường niên của Liên đoàn, đồng thời cũng là lễ khai giảng niên khóa mới chào đón tân sinh viên và các vị giáo sư.
Được biết Sư cô Chân Đức thuộc Đạo tràng Mai Thôn sẽ thay mặt Thiền sư đón nhận phần thưởng này. Nghi thức trao tặng và khai giảng khóa học sẽ được truyền trực tiếp trên mạng xã hội.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng tiếp xúc và hình thành tình bạn với Mục sư Martin Luther King. Năm 1967, chính Mục sư King đã đề cử ngài cho giải Nobel Hòa bình với lời giới thiệu chân thành và trân trọng: “Tôi chưa từng biết một con người nào xứng đáng với giải thưởng Nobel Hòa bình hơn vị tu sĩ Phật giáo đến từ Việt Nam này”.
Trong thời gian ở nước ngoài, Thiền sư đã thành lập nhiều tu viện Phật giáo và kiến tạo trung tâm tu học Làng Mai tại Pháp. Thiền sư đã vận dụng và cổ vũ việc thực tập thiền chánh niệm như là phương pháp chính đối với hàng xuất gia cũng như tại gia nhằm chuyển hóa lối sống, thay đổi xã hội. Không những thế, ngài đã thành lập 6 tu viện và hàng chục trung tâm thực tập tại Mỹ, châu Á, châu Âu và hơn 1.000 cộng đồng Tăng thân ở nhiều địa phương khác nhau.
Hiện tại, rất nhiều người xuất gia và cư sĩ đang áp dụng những phương pháp thực tập chánh niệm của Thiền sư nhằm tạo nên một môi trường an lạc, xây dựng tình thân trong các trường học, công sở, doanh nghiệp, nhà tù trên khắp thế giới.
Đối với Liên đoàn, bắt đầu từ năm học này, sinh viên các khóa ngoài việc học Thần học còn được học thêm các kiến thức về Phật giáo và nền tảng thiền tập chánh niệm của Thiền sư, các tư tưởng về đạo Phật nhập thế của ngài. Chương trình sẽ tiếp cận quan điểm Phật giáo về hàng loạt các vấn đề xã hội khác nhau như xây dựng hòa bình, biến đổi khí hậu, nạn phân biệt chủng tộc, bạo lực, đói nghèo và bất bình đẳng về kinh tế, giam giữ, giới tính và tình dục.
“Chúng ta đang sống giữa một thế giới với những phức tạp gia tăng do sự khác biệt về văn hóa và truyền thống tôn giáo”, Sensei Greg Snyder, một tu sĩ Phật giáo và là giáo sư về Phật pháp nhập thế, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật học nhận định. “Với nền tảng lịch sử về việc xây dựng sự khoan dung trong cộng đồng đa tôn giáo, đa chủng tộc, các cơ sở giáo dục của Liên đoàn sẽ dễ dàng thực hiện kết hợp các giá trị giáo dục, trong đó có sự dung hòa các tư tưởng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh để có thể đáp ứng nhu cầu về học thuật của các lớp sinh viên khác nhau”.

Bảo Thiên (theo Lion’s Roar)

Nhận xét