Lão Thi sĩ NGUYỄN ĐỨC SƠN

Hư Vô Một Cõi Phiêu Bồng
NGUYỄN MIÊN THẢO

N D Sơn & Tuệ Sỹ tại Phương Bối Am
Trước năm 1975,giới văn học miền Nam xếp thi sĩ Nguyễn Đức Sơn là một trong 4 quái kiệt của làng văn thời đó: Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn,Thế Phong, Phạm Công Thiện, vừa tài năng vừa ...quậy. Xin hiểu quậy ở đây có nghĩa là khác người đại để như N Đ Sơn ra biển nằm vọc c..., Bùi Giáng chui xuống gầm cầu Trương Minh Giảng (sát bên Viện Đại học Vạn Hạnh, nay là trường Đại học Sư phạm) để ngửi ...

Cũng có một sắp xếp khác thuần văn học hơn mà thi sĩ Nguyễn Đức Sơn cũng là một trong tứ trụ thi ca của miền Nam : Bùi Giáng, Nguỵễn Đức Sơn, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên. Với sư sắp xếp của làng văn miền Nam thời đó hoàn toàn vô tư, trong sáng, không dựa trên quyền uy, chức tước, bè phái, điếu đóm như bây giờ mới thấy chỗ ngồi của Nguyễn Đức Sơn trên chiếu văn sáng như Sao Trên Rừng.

Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, bút hiệu Sao Trên Rừng, gốc Thừa Thiên Huế. Sinh năm 1937 tại Ninh Chữ, Ninh Thuận (Phan Rang). Ông từng theo học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn nhưng nửa chừng bỏ học. Trong lý lịch trích ngang trong tập thơ Những Bài Tình Đầu, ông viết :Sống vô gia cư, chết vô địa táng, và tuyên bố: Nếu trường Đại học Văn khoa Sài Gòn sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng tôi xin chịu chặt đầu.

Trước năm 1975, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm thơ, truyện ngắn nổi tiếng: Những Bài Tình Đầu, Đêm Nguyệt Động, Mộng Du, Cái Chuồng Khỉ, Cát Bụi Mệt Mỏi...Các tác phẩm của ông đều do Nhà xuất bản An Tiêm (Tỳ kheo Thích Thanh Tuệ) in ấn và phát hành.

Ông ở nhiều nơi Phan Rang, Sài Gòn, Bình Dương-Thủ Dầu Một, Blao-Lâm Đồng và sinh sống bằng nghề dạy học.
Sau năm 1975, ông về ở hẳn tại Phương Bối Am, Blao-Lâm Đồng, cách ly với sinh hoạt văn học. Ông nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông (vì ông trồng một vạn cây thông) với biệt danh Sơn Núi.

Nhà văn Võ Phiến, một nhà văn nổi tiếng đứng đắn và cực đoan đã có nhận xét độc đáo và thú vị về Nguyễn Đức Sơn:
"Hầu hết những ai bắt đầu xun xoe vào làng văn đều muốn tỏ ra khác người, nghĩa là ngông nghênh. Để có thể tha thứ những bậy bạ hư hỏng ở một kẻ nào, ta tắc lưỡi kêu: hắn trót có tí "máu văn nghệ" trong người. Trong đám văn nghệ với nhau thì nhố nhăng nhất phải thú thật là những chàng thi sĩ. Một nhà nho như ông Tản Đà mà để xứng danh thi sĩ ông cũng làm trò con nít: gửi thư lên chị Hằng, gánh thơ đi bán chợ trời v.v..Còn Chế Lan Viên thì thấy trăng sáng vội kêu: "Ta cởi truồng ra, ta cởi truồng ra " Nguyễn Đức Sơn không cần phải làm như thế. Hãy xem cốt cách của ông: điềm nhiên giản dị hơn biết bao:

đầu tiên tôi thở cái phào
bao nhiêu phiền não như trào ra theo
nín hơi tôi thở cái phèo
bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không...
(Một mình nằm thở đủ kiểu trên bờ biển )

Cứ thế ông thở "đủ kiểu. Rồi qua một bài thơ khác ông lại "khoái trí nằm thở nữa". Một đằng cố gắng làm ra lạ đời nên phải cởi truồng, phải chọc trời ghẹo trăng cho to chuyện; một đằng vốn có bản lĩnh tự nhiên, nên chỉ nằm mà thở thong thả cũng đủ độc đáo chán. Trong thơ, ta đã mấy ai nghe những tiếng thở cái phào cái phèo ngang tàng như vậy? (Nhất là đọc cho đến hết bài "thở đủ kiểu" ta giật mình thấy không phải đó là cái ngông vô cớ, ta không ngờ những hơi thở ấy lại đưa ta đi xa đến thế.) Khi Chế lan Viên muốn cho khác thường, ông đòi: "Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh", còn Nguyễn Đức Sơn thì chẳng xin một tinh cầu nào, cứ việc nằm ngay trên bờ biển mà vọc c... Khi Chế Lan Viên muốn tỏ ra ngông, ông đòi cởi truồng để tắm trăng; còn Nguyễn đức Sơn thì lại lăn cù trên bờ biển, rồi ngủ quên trên bờ biển, nửa khuya bị mưa ướt, thức dậy tự hỏi mình: "đã đời chưa con?”
(Trích "Văn học miền Nam" của Võ Phiến.)

Nhận xét